TRUYỆN HAI THÁNH LOUIS VÀ ZÉLIE MARTIN
Đường Lên Trời - Theo Chân Hai Thánh Martin / Các vị thánh đời thường
Chương 1
TUỔI TRẺ HAY LÒNG KHAO KHÁT THIÊN CHÚA
1. Cha mẹ Thánh Têrêsa tên gì?
Louis Martin và Zélie Guérin.
2. Ông Louis sinh ngày tháng năm nào? Ở đâu?
- Sinh ngày 22/8/1823 ở Bordeaux – Pháp
3. Ông Louis là người như thế nào?
Ông là người nhạy cảm với vẻ đẹp. Ông luôn khám phá và thấy được bàn tay của Đấng Tạo Hóa trước những kỳ tác thiên nhiên. Ông chiêm ngắm bằng tất cả con người trong lời cầu nguyện chúc tụng Chúa.
4. Tuổi trẻ ông Louis khao khát điều gì?
Ông khao khát dâng mình cho Chúa ở Tu viện Grand Saint Bernard, là dòng Thánh Augustino.
5. Điều gì đã khiến cho ông Louis không theo đuổi được ơn gọi của mình?
Chưa hoàn tất chương trình trung học nên Louis chưa biết tiếng Latinh đó là một trong những điều kiện để vào dòng. Và một căn bệnh đã làm gián đoạn mọi cố gắng của ông.
6. Sau biến cố này ông Louis quyết định học nghề gì?
Học chế tác đồng hồ và mở một cửa tiệm đồng hồ ở Rue du Pont-Neuf.
7. Thời gian học nghề ở Paris đã cho ông Louis trãi nghiệm như thế nào?
Cuộc sống ở Paris đã thử thách ông thật khắc nghiệt và ông trãi qua vô số các cơn cám dỗ. Từ lúc đó ông đã cậy dựa duy nhất vào sức mạnh của Chúa. Ông cầu nguyện nhiều hơn và dâng mình cho Đức Mẹ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Vinh Quang.
8. Cha Stephane – Joseph Piat đã mô tả về ông Louis như thế nào?
Ông có vóc người cao, với dáng điệu của một viên chức, dễ mến, vầng trán cao và rộng, nước da trắng, gương mặt dễ chịu với mái tóc màu hạt dẻ, cùng một ánh nhìn sâu sắc mà nhẹ nhàng trong đôi mắt màu nâu lục nhạt. Ông vừa giống như một cảnh binh vừa như một nhà thần nghiệm.
9. Bà Zélie Guerin sinh ngày tháng năm nào? ở đâu?
Ngày 23/12/1831 tại Saint-Denis-sur-Sarthon thuộc vùng Orne – Pháp
10. Bà Zélie làm nghề gì?
Nghề đan ren
11. Cha Piat đã mô tả về bà Zélie như thế nào?
Có vẻ hơi thấp, rất xinh và gương mặt đầy ngây thơ, mái tóc nâu và phong cách đơn sơ, mũi cao và đẹp, đôi mắt màu sẫm ánh lên vẽ quả quyết đôi lúc thoáng đượm buồn, bà là một thanh nữ quyến rũ. Cả người bà toát lên sự hoạt bát, tinh tế, và đáng yêu. Với một tinh thần vui vẻ và thanh nhã, ý thức tốt, nhân cách tuyệt vời, và trên hết là một đức tin can trường, thật là một phụ nữ xuất chúng có sức hút với tất cả mọi người
Chương 2
HÔN NHÂN VÌ TÌNH YÊU
1. Cha mẹ Thánh Têrêsa kết hôn vào ngày tháng năm nào? Ở đâu?
Ngày 13/7/1858 tại nhà thờ Đức Bà Alecon
2. Cha mẹ Thánh Têrêsa kết hôn lúc bao nhiêu tuổi?
Ông 34 tuổi và bà 26 tuổi
3. Ơn gọi hôn nhân có phải do hai ông bà khao khát chọn lựa không? Tại sao?
Không. Vì cả hai đều khao khát dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Ông Martin muốn vào dòng Thánh Augustino. Bà Zélie muốn gia nhập dòng nữ tử Bác Ái của Thánh Vinvent de Paul.
4. Hai ông bà đã sống thời gian đầu của đời sống hôn nhân như thế nào?
Hai ông bà đã giữ trinh tiết trong hôn nhân vì cả hai vẫn còn muốn thánh hiến bản thân cho Thiên Chúa.
5. Ông Louis và bà Zélie đã khá m phá ra gì?
Hai ông bà khám phá ra rằng cuộc hôn nhân không phải là một sự mà Chúa thế cho dự định thánh hiến không thành của họ. Nhưng mà Chúa muốn hai ông bà sống trọn ơn gọi đời sống hôn nhân của họ. Vì Thiên Chúa định hướng khát khao nên thánh của hai người về một tình trạng sống nảy nở nhất, là hôn nhân. Vì bản chất của đời sống hôn nhân là trọn đời yêu thương nhau và sinh sản cùng giáo dục con cái.
6. Bà Zélie đã cảm nghiệm về chồng mình như thế nào sau 5 năm kết hôn?
Bà Zélie viết: «Tôi vẫn vô cùng hạnh phúc với ông ấy, làm cho cuộc đời tôi quá đỗi dễ chịu. Chồng tôi là một người thánh thiện, và tôi ước sao mọi phụ nữ có thể được người chồng như thế».
7. Tình cảm bà Zélie dành cho chồng sau 15 năm chung sống như thế nào?
Có lần đi cùng với con cái để thăm em trai và chị gái của mình, bà Zélie viết thư gửi chồng như sau: «Các con vui vẻ lắm, và nếu thời tiếc đẹp chúng sẽ quá sức hạnh phúc đi thôi. Nhưng còn phần em, thì thấy hơi khó mà thoải mái được! Không có điều gì làm em thích thú! Em như một con cá rời khỏi nước, không còn môi trường của mình nữa, và đang héo tàn! Nếu chuyến đi kéo dài thêm nữa, thì chắc em sẽ như cá mắc cạn. Em không thoải mái và không ổn chút nào, nó ảnh hưởng đến cơ thể và em gần như bệnh mất thôi. Trong lúc này, em cố lý lẽ với chính em và vượt qua cơn bệnh. Lòng em dõi theo anh suốt ngày, em tự bảo mình: lúc này anh đang làm việc này hay việc kia.
Em mong mỏi được ở gần anh, anh Louis yêu dấu. Em yêu anh với hết tấm lòng, và tình cảm em dành cho anh ngày càng mạnh, bởi em đang thiếu thốn sự hiện diện của anh đến mức túng quẫn, em không thể nào sống xa anh ... Em ôm anh, em yêu anh”.
8. Ông Louis đã dành tình cảm như thế nào cho vợ và gia đình?
Khi ông Louis lên đường vì công việc, ông cũng viết cho vợ những lời như sau: «Bạn đời yêu dấu của anh, anh không thể về lại Alencon trước ngày thứ hai. Thời gian như quá dài, và anh háo hức mong được gần em. Anh không cần phải cho em biết là thư của em đã cho anh vô cùng vui sướng, ngoại trừ một việc là anh thấy em đang tự làm mình mệt mỏi quá nhiều. Nên anh khuyên em hãy bình tâm và điều độ, nhất là trong công việc. Anh có vài đơn hàng từ công ty Lyon. Một lần nữa, em đừng quá lo. Với ơn Chúa, cuối cùng chúng ta sẽ có một việc kinh doanh nhỏ thật tốt đẹp. Anh rất vui khi được rước Mình Thánh Chúa ở nhà thờ Đức Bà Vinh Quang, một nơi thật như thiên đường hạ giới vậy. Anh cũng thắp nến cầu nguyện cho cả nhà mình. Anh ôm em với hết trái tim anh trong khi anh chờ đợi niềm vui được đoàn tụ với em. Anh hy vọng Marie và Pauline khỏe! Chồng và người bạn đích thực của em, người yêu em trọn đời».
9. Bà Zélie tính tình như thế nào?
Zélie là một phụ nữ mạnh mẽ và thánh thiện, không phải bởi bà không có nỗi sợ và yếu đuối, nhưng là bởi bất chấp những điều đó, bà vẫn quảng đại trao đi bản thân cho tha nhân và Thiên Chúa, với một sự tin tưởng luôn luôn hết lòng. Sự nhạy cảm cao độ cho bà có nhận định tinh tế về người khác. Hơn nữa, bà là một người phụ nữ hành động. Bà làm việc cho gia đình, và cả trong kinh doanh, đều không chút không lần lựa và nuông chiều bản thân. Ý thức nhuc ầu cần không ngừng trao đi bản thân, bà đáp lại với một sự quảng đại vô cùng đến mức bà đã qua đời với kim đan trong tay, có thể nói là bà không bao giờ nghỉ ngơi chút nào.
10. Tính tình ông Louis như thế nào?
Điềm tĩnh và chắc chắn, ông nhận trách nhiệm chăm lo cho gia đình và nâng đỡ vợ với một sự ân cần vô cùng. Người ta thường nói ông là người hòa nhã, nhiều lúc có ý là hơi yếu mềm, nhưng ông hoàn toàn không yếu mềm, và cũng làm việc rất chăm chỉ như vợ mình vậy. Sự hòa nhã vô cùng của ông đến tận cuối đời, một điều khiến mọi người quanh ông đấy kinh ngạc, có được nhờ trung thành thực hành bác ái hơn là do bất kỳ tính cách bẩm sinh nào của ông. Theo gương Thánh Phanxico Đệ San, ông đã tìm cách làm chủ sự hiếu động tự nhiên của mình đến mức dường như torng ông là bản tính ngọt ngào nhất trên đời. Không thua gì vợ, ông cũng rất quan tâm đến người khác. Trên tất cả, ông là một người ngay thẳng, không nhượng bộ sự bất công lẫn thói giả hình. Khí chất kiên định của ông thể hiện rõ khi đối mặt với những vấn đề phải đấu tranh vì những chính nghĩa thiêng liêng hay để chống lại những bất công. Dù không thích viết lắm, nhưng chỉ để giúp cho một người túng quẫn được nhận vào nhà dưỡng lão, mà ông đã không ngại gởi nhiều lá thư khiến các viên chức không thể làm ngơ được.
11. Hai ông bà đã ảnh hưởng trên nhau như thế nào?
Sự tốt lành của bà Zélie làm mềm đi những khía cạnh gay gắt của ông, chính tấm gương của bà khiến ông biết thương xót hơn cho một công nhân không được việc, cũng như ngăn ông không chìm quá sâu vào sự cô tịch. Hai ông bà chia sẻ cùng hoàn cảnh, có các quan niệm xã hội tương tự nhau, đều có tâm hồn quảng đại, đầy sinh lực cho những việc tốt, lại cùng làm việc trong những ngành đều cần có sự kiên nhẫn và tinh xảo, nhưng trên hết, cả hai người đều một lòng khao khát Thiên Chúa. Cuộc sống của hai ông bà gắn chặt với giáo xứ và các nhóm Công giáo.
12. Trong đời sống thường ngày hai ông bà đã tôn trọng nhau như thế nào?
Ông bà Louis đã biết cách tôn trọng thời gian thinh lặng của nhau, và cho nhau không gian để điều tiết những khác biệt giữa hai người. Louis thường xuyến đến nhà ngũ giác ở Pavilion hay lên đường hành hương. Zélie thì dành thời gian để viết thư cho chị và em trai mình, hoặc dự các buổi gặp gỡ cầu nguyện. Khi trong nhà có điều gì lo âu, thì chính bà, trái tim gia đình, phấn chấn tinh thần cho tất cả mọi người. Các lo toan thường nhật, dù lớn hay nhỏ, họ đều cùng nhau giải quyết.
13. Những khó khăn nào trong đời sống gia đình?
Cũng như các cặp vợ chồng khác, hai người cũng có những va chạm gây nên những phiền muộn nhỏ không biết trước được. Chủ đề bất đồng chính là về chuyện con cái. Ông Louis là người quyết định hầu hết mọi chuyện, theo kiểu mẫu đàn ông thời đó. Nhưng ông không thi hành thẩm quyền của mình theo kiểu đơn phương. Ông cởi mở với việc trao đổi bàn bạc, và ngay cả khi không thuận quan điểm với vợ của mình, ông vẫn để bà làm theo cách của bà
Chương 3
CHÚA TRÊN HẾT
1. Mục đích của hai ông bà Louis muốn vươn tới là gì?
Đó là sự thánh thiện. Bà Zélie các quyết: “Chị muốn làm thánh”, còn ông Louis thì tâm tình với các cô con gái: “Phải, cha có một mục đích, đó là yêu Chúa hết lòng”.
2. Ông bà Louis và Zélie đã giúp chúng ta khám phá ra điều gì?
Hai ông bà đã chứng minh cho thấy có thể nên thánh qua đời sống vợ chồng. Vì sự thánh thiện không chỉ hệ tại ở tình trạng sống, nhưng là ở nơi lời đáp tín thác và yêu thương với tiếng gọi của Chúa trong đời sống hằng ngày. Trong đời sống thường nhật, nơi niềm vui và thập giá đan xen lẫn nhau, hai ông bà đã trao trọn bản thân cho Chúa và tha nhân, bỏ mình để vâng theo ý Chúa trong mọi sự. Sự thánh thiện của hai ông bà gắn liền với thực tế và thường nhật, điều mà Giáo hội ngày nay đang đề cao.
3. Phương thế nên thánh của hai ông bà là gì?
Lòng khát khao nên thánh của vợ chồng nhà Martin, không phải kiểu ý muốn thất thường. Để nên thánh, hai người không bỏ lỡ khí cụ nào trong tầm tay, đặc biệt là các khí cụ nên thánh khả dụng cho mọi người công giáo, là các Bí tích, cầu nguyện, và đời sống giáo xứ.
Sự thánh thiện của vợ chồng Martin gắn liền với phép Thánh Thể, và được biểu lộ nơi tầm quan trọng mà họ ý thức, chứ không phải nơi những tình cảm sốt mến nhìn thấy được
Phép Thánh Thể là trung tâm đời sống của hai vợ chồng và cũng là hoạt động đầu tiên trong mỗi ngày sống. Cả hai ông bà đều giữ lòng trung thành với bí tích Thánh Thể đến mức độ anh hùng, ngay cả trong cơn hấp hối, hai người vẫn dành hết sức lực cuối cùng để ước Mình Thánh Chúa dù cho đau đớn. Vì hai người nhận thức Bí tích Thánh Thể là lời cầu nguyện mạnh nhất nên hai người luôn luôn cậy dựa vào Mình Thánh Chúa cho cuộc sống lẫn giờ chết của mình.
4. Hai ông bà tham dự Thánh lễ như thế nào?
Hai ông bà tham dự Thánh lễ không chỉ là một lệ thường, nhưng là một điều thiết yếu sống còn với vợ chồng Martin, một tĩnh dưỡng và lễ hội. Thánh lễ được ưu tiên hàng đầu, nên mọi hoạt động khác được sắp xếp tùy theo việc đi lễ. Thay vì đi phúng điếu hoa cho người đã khuất, gia đình Martin thường dâng Thánh lễ cầu nguyện cho người đã khuất, và mọi ý định quan trọng của cả nhà đều phó thác lên bàn tiệc thánh.
5. Hai ông bà chuẩn bị cho con cái sống đạo như thế nào?
Được rước Mình Thánh Chúa với ông bà là một niềm vui, và hai ông bà đã truyền sự say mê này cho con cái từ tuổi nhỏ. Hai ông bà không ngần ngại gởi con gái là Leonie đến trường nội trú ở Tu viện Đức Mẹ đi viếng, với một mục đích duy nhất là để cô bé chuẩn bị thật tốt cho rước lễ lần đầu.
6. Hai ông bà sống Bí tích Hòa giải như thế nào?
Ông Louis và bà Zélie xưng tội đều đặn và xem Bí tích Hòa Giải là khí cụ đặc ân của lòng thương xót Chúa, chứ không phải là gánh nặng.
7. Hai ông bà tham dự vào đời sống Giáo xứ như thế nào?
Cả hai người đều gắn kết chặt chẽ với giáo xứ của mình, tham gia các hoạt động thông lệ trong giáo xứ, dự các nghi lễ phụng vụ, rước kiệu, tĩnh tâm và các buổi hội truyền giáo, gia nhập nhiều hiệp hội sốt sắng và cũng đăng ký cho con cái của mình.
8. Đời sống cầu nguyện của hai ông bà như thế nào?
Với gia đình Martin, cầu nguyện không chỉ có nghĩa trong phạm vi nhà thờ. Nghề nghiệp mang tính thinh lặng và cô tịch của cả hai người rất thuận tiện cho sự tĩnh trí, và nhịp điệu một ngày sống được định hình qua nhiều lần cầu nguyện. Thánh lễ vào ban sáng, phép lành Mình Thánh Chúa, cầu nguyện trước mỗi bửa ăn, và mỗi tối cả gia đình đều đọc kinh chung. Khi con cái đi ngủ, những công việc cuối cùng trong ngày cũng xong, ông bà Louis và Zélie dâng thời gian cuối cùng trong ngày cho Chúa trước khi đi ngủ.
Vào những dịp đặc biệt, bà Zélie thường dâng tuần cửu nhật kính rất thánh Trái tim Chúa Giêsu, Thánh Giuse, hay các thánh khác, tùy vào hoàn cảnh. Biết rằng sức mạnh của lời cầu nguyện chung làm đẹp lòng Chúa, bà thường bảo các thành viên khác trong gia đình cầu nguyện với bà. Hai người tôn kính chuỗi mân côi, bà thích làm một người phụ nữ nhỏ bé lần hạt ở cuối nhà thờ. Còn ông thì thích cầu nguyện trong các chuyến hành hương xin ơn cũng như tạ ơn.
9. Đời sống khổ chế của hai ông bà như thế nào?
Sự khổ hạnh thể hiện rõ ràng trong đời sống cầu nguyện đặt mình trước Chúa của hai người. Tinh thần khổ hạnh của vợ chồng Martin đến với hai người qua đời sống phụng vụ và các sự kiện trong ngày sống. Hơn nữa, ông bà tuyệt đối giữ mọi lần ăn chay theo giáo luật Giáo hội, ngoài ra còn thêm một cách ăn chay của riêng mình. Bà Zélie thẳng thắng thừa nhận: “Anh chị làm việc đền tội trọn ngày. May thay, đợt này sẽ sớm qua, bởi chị chịu khổ nhiều khi ăn chay và kiêng khem. Không phải là hành xác quá, nhưng chị lo cho dạ dày của chị, và trên hết chị quá yếu nên nếu nghe theo tự nhiên hẳn chị đã không ăn chay rồi”. Với Louis, ông thực hành khá thận trọng nhưng bề vững, ông tự cấm mình không hút thuốc, vắt chéo chân, uống rượu trong bửa ăn, và không lại gần lò sưởi nếu không cần thiết. Ông đi tàu bằng vé hạng ba, và anh bánh mì chất lượng thấp mà người nghèo thường ăn,… “Con đường hướng đến sự toàn hảo là qua con đường Thập giá. Không có sự thánh thiện nếu không có bỏ mình và chiến đấu trong linh hồn. Tiến bộ đường thiêng liêng đi kèm với sự khổ hạnh và hành xác, dần dần hướng đến sự sống bình an và vui mừng của các Mối Phúc thật”.
10. Phương châm sống của ông bà Louis Martin là gì?
Phương châm sống của vợ chồng nhà Martin là: “Tâm hồn với Chúa trên cao, đôi chân đặt trên mặt đất”.
11. Những nguyên tắc linh đạo của ông Louis là gì?
Có ba nguyên tắc linh đạo: quyền tối cao của Thiên Chúa; tin tưởng vào Đấng Quan Phòng; và bỏ ý riêng mình.Trung tâm linh đạo của hai người là một thái độ dâng hiến.
12. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói về Cha mẹ mình như thế nào?
“Thiên đàng là nơi mà mọi hành động và khát khao của cha mẹ tôi hướng đến”.
13. Ông bà Louis cảm nghiệm về Thiên Chúa như thế nào?
Là một Thiên Chúa luôn dõi theo với yêu thương. Hai người nhận thức bàn tay Chúa trong những ơn trọng trong đời, là cuộc hôn nhân, con cái, thành công nghề nghiệp, và cả những quyết định của mình. Khi một chọn lựa hệ trọng được sáng suốt theo ý Chúa, thì hai ông bà tạ ơn Chúa, tin rằng Chúa đã hứng khởi và hướng dẫn cho mình. Thiên Chúa quá gần gũi nên không làm ngơ hai người.
14. Vai trò của Đức Maria thế nào trong đời sống của gia đình Martin?
Cả hai ông bà đều có một tình con cái đầy sốt mến với Đức Mẹ, cầu nguyện với Mẹ mỗi ngày, và mừng kính Mẹ bằng mọi cách có thể. Cả hai người đều dây áo Đức Bà, bởi hai người muốn các con được che chở dưới tà áo Đức nữ Diễm phúc. Mỗi tối hai người đều cùng nhau cầu nguyện bên tượng Đức Mẹ. Các con dù là trai hay gái thì đều được đặt tên là Marie, bởi ông bà muốn Đức Mẹ đỡ đầu cho mọi con cái của mình.
Chương 4
ƠN GỌI LÀM CHA MẸ
1. Hai ông bà Louis đón nhận con cái như thế nào?
Việc giáo dục con cái vừa là ơn gọi vừa là niềm vui của nhà Martin. Bà Zélie từng thốt lên: “Chị điên lên vì con cái, chị được sinh ra là để sinh ra các con, mỗi lần mang thai là một niềm vui, mỗi đứa con mới sinh là ơn Chúa ban”. Ông Louis cũng thế, và ngay từ đầu hai người đã muốn có nhiều con cái.
Vợ chồng Martin tin rằng họ là người được Thiên Chúa trao phó thẩm quyền lo cho cho con cái và quyền tác giả là của Ngài, chỉ mình Ngài. Xác quyết này càng ăn sâu hơn nữa qua bốn thiên thần nhỏ đã mất. Mỗi đứa con đều được chào đón như phúc lành từ trời, bất chấp tình hình tài chính hay sức khỏe của hai vợ chồng có như thế nào. Thái độ của ông bà Martin là hình mẫu cho tất cả chúng ta, đón nhận sự sống cách quảng đại với lòng khiêm nhường tin tưởng nơi Chúa. Đứa con sắp sinh ra là trai hay gái, không thành vấn đề với hai người.
2. Những khó khăn nào trong việc nuôi và dạy dỗ con cái?
Ông bà Louis đều biết những khó khăn của người làm cha làm mẹ, chịu đựng tiếng khóc của con nít suốt 36 tiếng đồng hồ không nghỉ, các chị em cải quấy nhau, những đêm chỉ ngủ có hai tiếng. Leonie là đứa con gái thứ 3, từ lúc mới sinh, Leonie không được mạnh cả về sức khỏe lẫn tính cách, nhưng ông bà Martin chưa bao giờ hết kiên trì với bé.
3. Ông bà đã thi hành bổn phận làm cha làm mẹ thế nào?
Theo Bà Zélie, chăm sóc đoàn con nhỏ thật là một bổn phận ngọt ngào, nhưng là một bổn phận không phải không có đau đớn, hai ông bà luôn vì con cái hơn là bản thân. Bất chấp những công việc căng thẳng, bà vẫn dành thời gian chới đùa với con cái. Ông Louis cũng tích cực không kém vợ trong chuyện chăm con cái. Hai ông bà trao đi bản thân mình không chút tính toán, chỉ sống vì con cái mà thôi.
4. Các con của hai ông bà:
- Marie. Sinh ngày 22/02/1860
- Pauline. Sinh ngày 07/09/1861
- Leonie. Sinh ngày 03/06/1863
- Helene. Sinh ngày 13/10/1864 và ba đứa trẻ kế tiếp là Joseph, Joseph-Jean- Baptiste và Melanie-Therese không sống được qua một tuổi.
- Celine. Sinh ngày 28/04/1869
- Têrêsa. Sinh ngày 02/01/1873
5. Lòng thương người của bà Zélie dành cho những người giúp việc như thế nào?
Bà Zélie đối xử với những người giúp việc không thua gì con cái của bà. Bà Zélie nói: “Những người giúp việc cần được cảm nhận là chúng ta yêu mến họ, chúng ta cần thể hiện tình thân ái và đừng quá khó tính với họ. Khi cô Louis là người giúp việc bị bệnh bà Zélie đã chăm sóc cho cô cả ngày lẫn đêm suốt ba tuần.
6. Bầu khí trong gia đình Martin như thế nào?
Trong gia đình Martin ngập tràn đức mến, mọi người thường cho nhau biết mình yêu quý nhau đến thế nào. Mặc dù ông bà có nhiều vất vả, nhưng vẫn bảo đảm trong gia đình phải luôn vui vẻ. Những niềm vui rất đơn giản: chơi các trò chơi nhỏ, ca hát, và trên hết là niềm vui được ở cùng nhau.
Mỗi ngày Chúa nhật, sau kinh chiều, cả nhà ra ngoài, nhiều khi thuê một chiếc xe ngựa mui trần để đi thăm thú.
7. Ông bà Louis đã dạy con cái của mình như thế nào?
Ngoài tình yêu thương dành cho các con nhưng cũng không ngần ngại thêm vào đó sự nghiêm khắc của mình. Ông Louis thà nổi giận còn hơn để các con gái yêu dấu của mình làm những chuyện bốc đồng phù phiếm. Vào giờ ăn, các cô bé phải ăn hết đĩa của mình. Khi giữa các bé có chuyện ầm ĩ cãi nhau, ông chỉ nói “yên nào các con!”. Bà Zélie cũng áp dụng biện pháp cứng rắn với Pauline: “Chị phải cho em biết, chị không làm hư con bé. Ngay cả khi bé còn quá nhỏ, chị đã không để bé thích gì được nấy, nhưng muốn cho bé biết hy sinh, và bé phải theo khuôn mẫu”.
8. Phương pháp để dạy dỗ cho con cái của ông bà có giống nhau không?
Không phải đứa con nào cũng áp dụng phương pháp cứng rắn. Ông bà không áp dụng một hình mẫu giáo dục duy nhất cho tất cả, nhưng dùng nhận định sáng suốt của mình để cho mỗi đứa con những gì bé cần. Ông bà Martin ý thức thẩm quyền của mình, nhưng không bao giờ lạm dụng. “Bà Zélie nói: “Sự bạo nghiệt không bao giờ biến đổi một con người, mà chỉ làm cho người đó thành nô lệ”. Ông bà đã tạo một bầu khí tin tưởng. Cha Piat cho chúng ta biết: “Tin tưởng là trái tim của cách giáo dục này. Từng đau khổ thuở nhỏ vì sự thống trị lạnh lùng, cưỡng ép ràng buộc của mẹ, bà Zélie đã làm mọi giá để con cái mình không phải chịu cùng cảm nghiệm như thế. Bà muốn các con cởi mở chan hòa, và triển nở cho trọn vẹn”.
9. Ngoài việc giáo dục con cái tại gia đình, ông bà đã đồng hành với các con như thế nào?
Ngoài việc giáo dục con cái tại gia đình, ông bà gởi hai cô con gái lớn đến Tu Viện Đức Mẹ Đi Viếng để có thể được đào tạo tốt nhất. Sự chia xa các con cũng làm bà Zélie đau khổ, nhưng bà phải hy sinh vì hạnh phúc và tương lai của các con mình. Ông bà Martin đồng hành với những bước đi đầu tiên của con, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo hai người, các bước đầu tiên trên con đường nhân đức quan trọng hơn bất kỳ bước nào khác. Thay vì dùng kẹo ngọt hay tiền xu để khích lệ con cái làm việc thiện, hai người lại đề ra những mục tiêu siêu nhiên cho các con: một người có tội hoán cải, Chúa Giêsu an ủi.
10. Ở trường Marie và Pauline như thế nào?
Vì được thụ huấn từ nền giáo dục tuyệt vời ở nhà nên không khó trong việc học hành thành công ở trường một cách xuất sắc. Dù cho ông bà có tự hào về những cô con gái của mình nhưng vẫn không thổi phồng chúng lên cũng là để giáo dục con cái cách khiêm nhường hơn.
11. Leonie là cô bé như thế nào?
Leonie là một thách thức đối với ông bà. Từ khi sinh, cô bé đã làm cha mẹ lo lắng về sức khỏe, và ông bà sớm để ý thấy đứa trẻ này sẽ khó nuôi hơn những đứa con khác. Leonie thường hành động điên rồ và bốc đồng, không giữ lời hứa, nói dối, và có thể nổi cơn giận phá phách.
12. Tình thương dặc biệt mà ông bà Martin dành cho cô con gái thứ ba là Leonie như thế nào?
Ông bà không bao giờ nản chí, và mỗi khi Leonie làm sai cũng như bồn chồn lo lắng, bà Zélie không bao giờ quên nhắc cô bé rằng sâu bên trong bé là một trái tim tốt lành. Ông Louis luôn gọi cô bé là: “Leonie tốt lành của cha!”. Mọi người dõi theo Leonie với sự tin tưởng, biết rằng cô bé tốt lành và có thể thoát ra khỏi những khó khăn của mình. Chăm chú không để con mình bị lạc lỏng, hai vợ chồng tạo thành một khồi thân ái gia đình quanh cô bé, và bảo các chị em cầu nguyện cho Leonie.
13. Mục đích giáo dục của hai ông bà là gì?
Với ông bà Louis và Zélie, giáo dục con cái có mục đích, đó là đưa chúng lên thiên đàng. Trên tất cả, họ muốn con cái mình được thánh thiện. «Các con gái nhỏ yêu dấu của mẹ, trong lúc chờ đợi, chúng ta cần phải phụng sự Chúa và các thánh của Ngài, và cố gắng để xứng đáng ở trong hành ngũ các thánh». Hai người không giáo dục con cái theo tâm lý, nhưng là theo Tin Mừng, và Chúa Giêsu là điểm quy chiếu cho con cái họ. Nền giáo dục của các cô con gái nhà Martin hoàn toàn được định hình theo đường thiêng liêng của bậc cha mẹ thánh thiện.
14. Ảnh hưởng của hai ông bà trên các con cái như thế nào?
Qua mẫu gương của mình, bằng hành động hơn là lời nói, ông bà Martin cho con cái thấy đời sống Kitô nghĩa là gì. Các con thấy cha mẹ mình cấu nguyện mỗi ngày. Louis, vua của cả nhà, quỳ gối trước Chúa, và đó là cách để nói về Chúa với con cái mình, những cô bé ngưỡng mộ cha mình sâu sắc. Ông quỳ gối cầu nguyện đều đặn. Cá cô gái đã thấm đẫm tinh thần thiên đàng rồi. Leonie lắng nghe cha mẹ chị nói về đời sau quá nhiều nên bé cũng bắt đầu nói về đời sau. Còn Marie cho biết cha mẹ mình có một đức tin sâu sắc và khi nghe cha mẹ nói về sự bất diệt, các con có khuynh hướng xem mọi sự đời này là rỗng tuếch. Các cô con gái sớm noi gương cha mẹ trong sự nhiệt thành vì các linh hồn. Các cô bé cũng noi gương cha mẹ mình trong sự hy sinh. Ông bà Louis và Zélie không chỉ là tấm gương đời sống Kitô, mà cả hai người còn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa cho con cái mình. Teresa dễ dàng hướng về Chúa Cha, bởi thánh nữ từng có một người cha đầy tốt lành và trìu mến.
Chương 5
VIỆC KINH DOANH CỦA NHÀ MARTIN
1. Nhà Martin kinh doanh về việc gì?
Hai vợ chồng Martin điều hành hai việc kinh doanh đó là cửa hiệu chế tác đồng hồ và bán trang sức của ông Louis. Sau đó ông đóng cửa tiệm để dành thời gian phụ giúp vợ với việc đăng ten.
2. Tương quan giữa ông bà Louis là chủ với các nhân công như thế nào?
Gia đình Martin thuê ít nhất chín nhân công, và trả tiền cho họ ngay lập tức, bởi với bà Zélie, trì hoãn trả lương một chút thôi cũng là thiếu công bằng. Các nhân viên rất thích bà chủ Zélie. Bà Commin, một trong những nhân viên nói rằng bà Zélie là người rất công bằng, tốt với nhân viên, can đảm và làm việc chăm chỉ, một vị thánh: Nếu có một nhân viên đau bệnh, Zélie sẽ đến thăm cô ấy vào ngày Chúa Nhật và cung cấp cho cô những gì cần thiết.
3. Thời gian bà Zélie dành cho công việc và gia đình như thế nào?
Bà dành trọn bản thân cho công việc và gia đình. Bà còn nói rằng Chúa mời bà đừng giữ gì cho mình và bà phải cho đi toàn thời gian của mình. Bà luôn cho đi, dù là cho gia đình, cho công việc, hay người nghèo. Bà thường nói rằng bà ốm vì kiệt quệ, nhưng bà vẫn tích cực đáp lời với các nhu cầu không ngớt của người khác. Con gái Têrêsa của bà có viết: “Yêu thương là cho đi tất cả và cho đi trọn bản thân”. Đó chính là cách mà bà Zélie yêu thương chồng mình, con cái, các khách hàng, nhân viên, và tất cả những ai gõ cửa nhà bà.
4. Bà Zélie tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong việc kinh doanh như thế nào?
Bà Zélie càng phó thác mọi chuyện trong tay Chúa. Ngay cả khi những rủi ro xảy đến trong việc kinh doanh, bà vẫn nhận ra bàn tay Chúa Quan phòng: “Thiên Chúa, Đấng là Cha tốt lành và không bao giờ cho con cái mình những gì quá sức chúng”. Bà đã khuyên người em của mình: “Cầu nguyện với Chúa, bởi cả chị không thể giúp được em. Nhưng Chúa, Đấng không bao giờ bị cản trở, sẽ kéo chúng ta qua khi Ngài nghĩ chúng ta đã chịu đựng đủ, và rồi em sẽ biết là cả em hay năng lực của em sẽ không làm được gì, chỉ có mình Chúa mà thôi”.
5. Việc kinh doanh có lấn át ngày Chúa Nhật của gia đình Martin không?
Bà Zélie tin tưởng thành công của họ đặc biệt là nhờ hai người biết tôn trọng ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Các bạn bè và ngay cả cha giải tội của ông Louis, cố gắng thuyết phục hai người làm việc ngày Chúa nhật, nhưng đành bất lực.
Với vợ chồng nhà Louis, ngày Chúa nhật thiêng liêng bao nhiêu thì cũng vất vả bấy nhiêu. Họ đi dự Thánh lễ sớm, rước Mình Thánh Chúa, rồi đi lễ chính ngày, đôi khi đi cả lễ ba để được thêm ơn. Buổi trưa cả nhà cùng ăn một bửa thịnh soạn, và rồi nếu các cô con gái đã ngủ hay chơi nhẹ nhàng, thì bà Zélie bắt đầu viết thư và ông Louis đọc sách. Sau kinh chiều và đi dạo, mọi người về lại nhà thờ để Chầu Thánh Thể. Sau khi cùng chơi đùa với nhau trong buổi tối, cả nhà cầu nguyện chung, kết thúc một ngày.
6. Sự phấn đấu trong công việc của hai ông bà nhằm mục đích gì?
Ông bà Louis và Zélie không bao giờ làm việc để thu tích của cải, họ cũng không muốn leo thêm trên nấc thang xã hội. Mục tiêu duy nhất của ông bà là để có thể nuôi dạy con cái và mở ra những cánh cửa tương lai cho chúng. Ông bà không phải là những người trọng vật chất. Vợ chồng nhà Martin biết mình không thể vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự tiền bạc được, và hai người có thái độ cân bằng đặc biệt về vấn đề tài chính, không khinh rẻ cũng không tôn thờ tiền bạc. Họ biết là trong ơn gọi làm giáo dân và cha mẹ, thì sự nghèo khó thiêng liêng không hệ tại ở việc không có thứ gì, nhưng là ở việc sử dụng tiền bạc hợp lý cho mình và quãng đại với người khác. Không như các bạn bè, ông bà Louis và Zélie có được một gia sản, họ không thay đổi lối sống đơn sơ của mình.
7. Công việc từ thiện gia đình Martin như thế nào?
Trong những giai đoạn tiền bạc không dư giả, nhà Martin vẫn luôn để riêng một khoản cho người nghèo, để làm các việc từ thiện và quyên góp cho Giáo Hội. Có một trận lũ mới xảy ra ở Lisieux thì nhà Martin ngay lập tức gởi tiền đến hỗ trợ cho các nạn nhân thiên tai. Châm ngôn của ông Louis: “Cho đi, luôn luôn cho đi, và làm cho ai đó hạnh phúc
Chương 6
VỢ CHỒNG TRUYỀN GIÁO
1. Ngày phong chân phước cho hai ông bà Martin có gì đặc biệt?
Ngày phong chân phước của hai ông bà Louis và Zélie diễn ra vào một ngày đặc biệt 19/10/2008, ngày truyền giáo thế giới.
2. Hai ông bà mơ ước điều gì?
Ngay từ buổi đầu cả hai vợ chồng mơ ước có một đứa con trai, không phải chỉ làm linh mục, nhưng còn là nhà truyền giáo.
3. Chúa đã nhận lời cầu xin của hai ông bà không?
Chúa đã nhận lời khát khao truyền giáo của hai ông bà, nhưng theo cách riêng của Ngài, một cách không ngờ tới, khi vượt quá hy vọng của vợ chồng nhà Martin, con gái của hai người được Giáo Hội tôn phong là thánh bổn mạng cho việc truyền giáo.
4. Đời sống truyền giáo của hai ông bà như thế nào?
Bằng chứng tá, lời cầu nguyện, và hành động, hai ông bà Louis và Zélie đã loan báo Tin Mừng cho những ai mà họ từng gặp gỡ. Nhưng xung lực truyền giáo còn đưa hai người đi xa hơn nữa, khi hiệp chung với ý của Giáo Hội Hoàn vũ. Hằng năm, ông Louis dâng tặng một khoản rộng rãi cho các Hiệp hội Truyền Giáo Giáo Hoàng, và ông bà để tâm theo dõi các chuyến đi truyền giáo của thời đại mình. Hai người cũng chung phần qua lời cầu nguyện.
5. Tinh thần truyền giáo của hai ông bà thể hiện trong gia đình và ngoài xã hội như thế nào?
Trong gia đình hai ông bà đã trao truyền sự sống và giáo dục con cái đức tin.
Ngoài xã hội hai ông bà tin rằng mỗi một người mình gặp gỡ đếu là do Đấng Quan Phòng gởi đến. Nếu có ai đang cần kíp, họ sẽ giúp nhiều hết sức có thể, hai người noi theo gương Chúa Kitô, chữa lành người bệnh trước khi nói với họ về Nước Trời. Ông bà không giới hạn việc bác ái theo kiểu dành một khoản phần trăm chi tiêu nhất định rồi gởi đến cho các hiệp hội từ thiện. Nhưng Ông bà đã trao đi hết bản thân mình, cả trong những lúc bất tiện cho họ
Chương 7
THỜI GIAN NAN THỬ THÁCH
1. Bà Zélie bị bệnh gì?
Bà bị những khối u ở ngực.
2. Đau khổ của bà trong giai đoạn này là gì?
Là bà phải rời xa các đứa con của mình, vì bà không thể nuôi các con từ sữa của mình nhưng phải gởi các con choc các bảo mẫu nuôi dùm.
3. Những đau khổ nào mà gia đình Martin phải gánh chịu như thế nào?
Đầu tiên là Joshep sinh năm 1866, đứa con trai đầu đã qua đời lúc mới năm tháng tuổi vì chứng viêm ruột, và một bé trai thứ hai cũng tên Joshep sinh vào tháng 12 năm 1867 và tháng 8 năm sau cũng qua đời, và chỉ 10 ngày sau cha của bà Zélie đã qua đời.
Một tháng sau hai người con gái lớn đến ở tại trường nội trú ở Tu Viện Đức Mẹ Đi Viếng.
Mười tám tháng sau, một lần nữa cái chết đến gõ cửa nhà Martin, Helene vừa mới năm tuổi đã chết đột ngột. Cái chết của bé Helene, chắc chắn là nỗi đau buồn nhất của nhà Martin.
4. Với quá nhiều thập giá trên vai, hai người làm cha làm mẹ này phản ứng như thế nào?
Sức mạnh của hai ông bà để đương đầu với những tang thương này thật quá ấn tượng, nhưng họ không phải kiểu anh hùng: “Lạy Chúa con! Con rã rời vì đau khổ. Con không còn một chút can trường nào nữa rồi. Và đau buồn trong cuộc sống đã giúp hai ông bà thông cảm trước những nỗi đau của người khác.
5. Làm sao ông bà Louis và Zélie có thể chịu được tất cả những tang thương này mà không chút cay đắng hay nỗi loạn?
Đó là do đức tin sâu sắc của hai người. Qua hết gian nan này đến thử thách khác, cuối cùng hai vợ chồng có được cho riêng mình một thần học về đau khổ. Với lòng khiêm nhượng, ông bà biết vị trí của mình với lòng tôn kính Chúa. Biết mình không phải chủ của sự sống và sự chết. Bà Zélie nói rằng Chúa gọi lại những đứa con này, nghĩa là các con của bà đi theo tiếng Chúa gọi: “Chúa là chủ, Chúa không phải làm theo ý của chị”. Như thế, con cái là ơn Chúa ban chứ không phải của riêng của cha mẹ. Nỗi tang thương giúp cho vợ chồng nhà Martin lớn lên trong đức khiêm nhường, và sau cái chết của hai bé Joseph, hai người không còn xin Chúa cho mình một linh mục tương lai nữa, và không xin gì ngoài việc được làm tròn ý Chúa.
6. Hy tế mà gia đình Martin dâng lên Chúa là gì?
Với sự tự do hai người đã dâng lên Chúa những gì còn quý báu hơn cả mạng sống của họ, là mạng sống của con cái. Về sau Thánh Têrêsa nghĩ về Đức Mẹ dưới chân thập giá như một linh mục dâng Hy lễ Thánh trên bàn thờ vậy. Đây cũng là cách mà ông bà Louis và Zélie làm trong thời gian khốn khổ và mất đi những người con yêu dấu. Hai người dâng lên Chúa con cái mình trong đau đớn, nhưng họ vẫn đầy tin tưởng và ngược đời thay, đầy niềm vui của ơn cứu độ, như Đức Mẹ trên đồi Golgotha. Trong gian nan thử thách, họ nhận ra bàn tay Chúa, dâng trọn đời mình cho Chúa. Đau khổ và cái chết không còn là chuyện vô lý, nhưng là “cơn lốc của tình yêu”.
7. Sau những đau thương, ông bà Martin đón nhận niềm vui nào?
Đó là sự chào đời của bé Têrêsa vào ngày 02 tháng 01.
Chương 8
ĐAU KHỔ VÀ LỬA MẾN CỦA BÀ ZÉLIE
1. Bà Zélie bị khối u ác tính ở ngực năm bao nhiêu tuổi?
Năm 34 tuổi
2. Khi đối diện với căn bệnh nan y bà Zélie phản ứng như thế nào?
Bà Zélie đã bình tĩnh đón nhận và vâng theo ý Chúa, bà nói với một đứa em: “Chị không muốn em lo lắng quá về chuyện này, và hãy vâng theo ý Chúa. Nếu Chúa thấy chị có ích trên đời này, chắc chắn Ngài sẽ không để chị bị bệnh này, bởi chị đã cầu nguyện rất nhiều xin Chúa đừng đưa chị đi bao lâu các con còn cần đến chị”.
3. Trong thời gian bệnh này bà Zélie đã đi hành hương ở đâu?
Bà đã đi hành hương ở Lộ Đức lần đầu tiên trong đời. Bà viết cho chồng như sau: “Em hy vọng Đức Mẹ sẽ chữa lành cho em nếu như Mẹ thấy cần thiết. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy bình tâm. Em rất vui sẽ được gặp lại anh và các con”. Trong lá thư cuối cùng Bà viết: “Nếu Đức Mẹ không chữa lành cho chị, thì đó là bởi thời gian của chị đã hết, và Chúa muốn chị nghỉ ngơi ở một nơi không phải ở đời này”.
4. Mối bận tâm lớn nhất của bà Zélie về con cái trong lúc này là ai?
Là cô bé Leonie trái tính trái nết, đang bước vào tuổi dậy thì. Bà viết: “Đức trẻ tội nghiệp này có đầy lỗi phạm. Vợ chồng chị không biết xử trí với bé thế nào. Nhưng Chị trông cậy nơi Chúa đầy lòng thương xót, và chị vẫn luôn hy vọng”.
5. Chúa đã thắp lên cho bà hy vọng nào về Leonie?
Trước cái chết của người Dì, Leonie nhất quyết viết cho Dì mình một lá thư, mà khi mẹ bé đọc thấy rất đỗi kinh ngạc không dám tin vào mắt mình: “Dì yêu quý, con luôn giữ tấm hình Dì cho như một thánh tích. Như lời Dì dạy, con nhìn tấm hình mỗi ngày để học biết vâng lời. Chị Marie đã đóng khung tấm hình cho con. Dù yêu quý, khi Dì lên thiên đàng, xin Dì hỏi Chúa xem Chúa có cho con ơn hoán cải không, bởi ngày nào con cũng nghĩ về chuyện này”.
6. Khi phát hiện người giúp việc bạo có hành vi bạo hành với con gái của mình, ông bà giải quyết ra sao?
Hai ông bà rất giận dữ. Tuy nhiên, hai ông bà đã nhận lại Cô người làm và tìm lời khuyên để có giải pháp tốt nhất. Vì hai ông bà muốn thể hiện lòng thương xót và sự tha thứ của mình dành cho người khác.
7. Sự quảng đại của ông bà được đáp lại như thế nào?
Cô người làm đã đảm trách việc nhà không chút sai sót, và về sau không khó khăn để tìm được công việc. Đến cuối đời, cô đã làm chứng về sự tốt lành của vợ chồng nhà Martin.
8. Bà Zélie đã cho chúng ta bài học gì với việc xin phép lạ để chữa bệnh?
Phép lạ không phải là phần thưởng dành cho người xứng đáng. Bà Zélie lúc đầu rất bối rối khi cầu xin Chúa chuyện gì, bởi nó đi ngược với luật tự nhiên của bà, nhưng “chắc chắn là Ngài thường ban phép lạ vì sự nhân lành và lòng thương xót vô bờ”. Bà cảnh báo các cô con gái: “Chúng ta cần phải bỏ mình đi để đón nhận ý Thiên Chúa nhân lành với trái tim mở rộng, dù có gì đi nữa, bởi ý Chúa luôn luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta”. Nhìn nhận tình yêu mãnh liệt của Cha dành cho con cái Ngài, là chóp đỉnh sự thánh thiện của bà Zélie, một chóp đỉnh mà con gái Teresa của bà cũng đạt đến.
9. Bài học của nhà Martin về sự chuyển cầu như thế nào?
Một lời thỉnh cầu tin tưởng và khiêm nhường thì mở lòng và hoàn toàn thuận theo lời đáp dù là thế nào. Lời đáp ở Lộ Đức, không phải là ơn chữa lành cho bà Zélie, nhưng Chúa luôn đáp lại cùng ý hướng với những tâm tình của những người xin
10. Bí tích thánh Thể đối với bà Zélie như thế nào?
Đối mặt với cái chết cùng với những cơn đau đớn bà Zélie vẫn tiếp tục đi lễ bao lâu còn lê được thân mình. Marie kể lại: “Ngày thứ sáu, mẹ đi lễ lúc bảy giờ, bởi hôm đó là thứ sáu đầu tháng. Cha đưa mẹ đi, bởi mẹ không đi được mà không có cha giúp. Mẹ bảo là khi đến nhà thờ, mẹ không thể nào vào được nếu không có ai đẩy cửa dùm”.
11. Bà Zélie được Chúa gọi về khi nào?
Vào 12 giờ 30 đêm ngày 28 tháng 8
12. Cha giải tội nói gì khi hay tin bà đã về với Chúa?
Trên thiên đàng có thêm một vị thánh.
13. Cha Piat viết về bà thế nào?
“Bà như đang ngủ. Mới chớm 46 tuổi, có lẽ bà được đưa về trời quá sớm. Gương mặt hốc hác, hằn nét đau đớn, vẫn toát lên vẽ trang nghiêm và tươi trẻ, Một bầu khí thân ái và êm đềm siêu nhiên lan khắp nhà nguyện. Ông Martin và các con gái không thể nào ngừng chiêm ngắm gương mặt thanh thản của người, sau khi đã làm việc hết sức, cuối cùng đã được nghỉ ngơi”.
Chương 9
DÂNG HIẾN CỦA ÔNG LOUIS
1. Sau khi bà Zélie qua đời, ông Louis đưa gia đình về đâu?
Vì các con mà ông Louis phải rời Alencon thân yêu để về Lisieux. Marie đã nhắc đến điều này trong lá thư gửi cậu: “Cha con hẳn sẽ hy sinh mọi sự có thể vì chúng con. Cha sẽ hy sinh hạnh phúc, và cả mạng sống của Cha nếu cần, để cho chúng con được hạnh phúc. Cha không từ nan bất kỳ sự gì. Cha không lần lựa dù chỉ một phút, và tin rằng đây là vì bổn phận và lợi ích cho tất cả mọi người, thế là đủ với cha của con rồi”.
2. Sự thiếu vắng của bà Zélie, ông Louis gánh vác gia đình ra sao?
Ông không cậy dựa vào sức mình, nhưng là cậy dựa vào nơi Chúa. Ông Louis cũng thêm sự dịu hiền mẫu tử vào trong uy quyền phụ tử của mình. Celine viết: “Không một trái tim người mẹ nào hơn được trái tim của cha con, một tấm lòng không tì vết”.
3. Những sinh hoạt nhà Martin có bị xáo trộn không?
Ngôi nhà rất vui với năm cô con gái đầy sức sống và người cha. Vào những buổi tối ông Louis chủ xướng kiêm mục tử giải trí cho các con. Ông bắt đầu bằng việc đọc và bình giảng một đoạn sách thiêng liêng. Rồi với giọng trầm ấm, ông hát hay làm một vài giọng nhái hài hước… Cuối cùng, cả nhà quây quần tượng Đức Mẹ để tạ ơn một ngày qua. Vào ngày Chúa nhật, sau khi đi lễ, cả nhà đi dạo theo thông lệ, và ông chia sẻ kiến thức thiêng liêng cho các cô con gái, hoặc ông câu cá còn các cô thì vui đùa.
Mọi người đi lễ hằng ngày, và ông Louis chủ trì cầu nguyện trước bửa ăn, và giờ kinh tối.
4. Thánh Têrêsa đã nói như thế nào về sự thánh thiện của cha mình?
Thánh nữ nói: “Chỉ cần nhìn vào cha, để biết một vị thánh cầu nguyện như thế nào”.
5. Sự dâng hiến của ông Louis như thế nào?
- Ngày 02 tháng 10 năm 1882, ông Louis đã leo lên núi Carmel để dâng hiến con mình cho Chúa đó là cô Pauline
- Ngày 15 tháng 10 năm 1886, ông Louis đưa Marie đến dòng Carmel để dâng cho Chúa.
- Ngày 9 tháng 4 năm 1988, ông leo lên núi lần thứ ba để dâng lên Chúa những gì quý báu nhất của ông.
- Leonie đã vào tu viện Đức Mẹ Thăm Viếng
- Celine cũng đã nghe tiếng Chúa gọi mình trong dòng Carmel.
6. Ơn gọi của Têrêsa có gì đặc biệt?
Teresa được vào dòng khi mới 15 tuổi.
7. Để đáp lại khát khao vào dòng trước tuổi ấn định của Têrêsa, ông Louis đã làm gì cô gái út của mình?
Ông đã đến trình bày lên Giám Mục, vì sự chần chứ của vị Giám Mục này nên ông đã quyết định dẫn Têrêsa đến gặp Giáo Hoàng Leo XIII để xin chuẩn cho Têrêsa vào dòng. Đó là sự háo hức của người cha sẵn sàng dâng con mình cho Chúa, và của người con muốn tận hiến bản thân. Lòng nhiệt thành của ông Louis với Chúa, thiêu đốt quá đỗi mãnh liệt, nên ông không còn nghĩ đến đau đớn của riêng mình, từ đó biến ông thành khí cụ hoàn hảo của Đấng Quan Phòng.
8. Tình yêu ông Louis dành cho Chúa như thế nào?
Sau khi Têrêsa vào dòng hôm sau ông viết cho một người bạn: “Têrêsa, nữ hoàng bé nhỏ của tôi, ngày hôm qua, đã vào dòng Carmel. Chỉ mình Chúa mới có thể đòi một hy sinh lớn đến thế, nhưng Chúa giúp cho tôi quá nhiều, nên trong những giọt nước mắt, lòng tôi vẫn ngập tràn niềm vui”. Ông cảm nhận Chúa đang ban cho ông một vinh dự cao trọng khi xin ông tất cả con cái ông có, và nếu có điều gì còn hơn thế nữa, ông cũng sẽ dâng lên Ngài không chút chần chừ. Sau khi dâng Chúa tất cả các con gái của mình, chính ông Louis cũng dâng hiến ông cuộc đời ông như như lễ tế.
9. Những sát tế mà ông Louis phải chịu là gì?
Ngày 1 tháng 01 năm 1887 ông bị một cơn đau đầu tiên do chứng bệnh xơ cứng động mạch. Cuối năm 1888 ông bị vấn đề về đường huyết, mất trí nhớ, mất khái niệm thời gian. Ông rơi vào căn bệnh ảo giác và phải điều trị tại nhà thương điên
10. Đứng trước những đau đớn về căn bệnh của mình, ông Louis đã trấn an các con gái mình như thế nào?
Ông Louis vẫn bình an, bảo các con gái trong dòng Carmel đừng lo cho ông, bởi ông là bạn với Chúa mà. Ông không chờ đợi Chúa giải thoát cho mình khỏi tình trạng này, biết rằng Chúa luôn luôn làm điều tốt nhất cho ông. Với trọn vẹn nhận thức, ông chấp nhận hy sinh này và tất cả hệ quả về sau.
11. Cô gái Celine kể về cha mình như thế nào?
“Suốt cả đời, em sẽ nhớ gương mặt đẹp của Cha, khi ánh mặt trời lặn dần, em và cha dừng lại sâu trong rừng để nghe tiếng sơn ca. Cha lắng nghe với một biểu cảm không nói nổi trên khuôn mặt. Thật là mê ly, có gì đó không giải thích được của miền đồng quê phản ánh trên gương mặt cha. Rồi sau một hồi lâu thinh lặng, bởi vẫn còn đang lắng nghe tiếng chim, em thấy có nước mắt lăn trên má cha”.
12. Ông Louis qua đời khi nào?
Ông qua đời ngày 27 tháng 07 năm 1894 tại một ngôi nhà ở miền quê Lisieu
Chương cuối
ĐÔI VỢ CHỒNG ĐƯỢC PHONG THÁNH
1. Thánh Têrêsa ca ngợi về cha mẹ mình như thế nào?
Thánh Têrêsa ca ngợi về cha mẹ mình: «Chúa nhân lành đã cho em một người cha và một người mẹ xứng với thiên đàng hơn là thế gian này».
2. Việc phong chân phước cho hai vợ chồng Louis và Zélie nhắc nhở chúng ta điều gì?
Nhắc nhở chúng ta về vinh quang đang ẩn giấu nơi cuộc sống thường nhật và những khó khăn của chính bản thân mình.
3. Việc tôn phong ông bà Louis và Zélie lên bậc hiển thánh muốn khẳng định điều gì?
Là lời khẳng định mạnh mẽ rằng gia đình có thể là nơi yêu thương mãnh liệt làm chứng cho toàn bộ thế giới về tình yêu Thiên Chúa, đồng thời cũng xác quyết rằng đời sống bình thường với Thiên Chúa có thể sinh ra những hoa trái phi thường. Bằng cách sống yêu thương đơn sơ trong cuộc sống gia đình thường ngày, yêu thương đến tận cùng, ông bà Louis và Zélie đã góp phần soi rọi ánh sáng cho toàn thế giới.
4. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã nói gì về gia đình Martin?
Nếu như vợ chồng nhà Martin được phong thánh, thì họ nên được phong thánh cùng nhau. Chính Đức Phaolo VI, đã sáng kiến kết hợp hai án phong chân phước của hai vị thành một. hành động của ngài vừa mạnh mẽ vừa đổi mới.
5. Giáo hội gởi đi thông điệp gì qua việc lần đầu tiên phong thánh cho một cặp vợ chồng?
Giáo Hội đang gởi đi một thông điệp mạnh mẽ là cho thấy vẽ đẹp trong dự định của Thiên Chúa cho hôn nhân và gia đình, đồng thời nhắc lại rằng hôn nhân là một trong những con đường vững vàng để nên thánh.
6. Giáo Hội chọn ngày nào để kính nhớ hai Thánh Louis và Zélie?
Lễ kính nhớ hai thánh vào ngày 12 tháng 7 hằng năm.