HÀNH ĐỘNG DÂNG HIẾN có một tầm quan trọng tuyệt hảo trong học thuyết thiêng liêng của Thánh Têrêxa Giêsu Hài Đồng. Từ thời thơ ấu Chị Thánh đã biết Chúa Giêsu mong muốn được yêu mến trên hết mọi sự và Chị đã cố gắng hết sức để dâng hiến Chúa lòng mến đó. Vào dịp Lễ Chúa Ba Ngôi ngày 9 tháng 6 năm 1895 trong khi tham dự Thánh Lễ, Chị đã được ơn hiểu điều đó hơn bao giờ hết, Thiên Chúa chúng ta muốn chúng ta yêu mến Ngài biết bao.
Nhưng cùng lúc đó Chị Thánh nhận thức rằng, những trái tim mà Chúa Giêsu muốn ban tặng tình yêu của Ngài lại hướng đến các tạo vật để nài nỉ một tình thương nghèo nàn trong giây lát, thay vì tìm kiếm niềm vui của 'lò' tình yêu vô biên nồng nàn.
Tiếp đến Chị Thánh nghĩ đến những ai hiến mình làm hiến tế của đức Công Bình của Chúa. Có những tâm hồn như thế trong dòng Carmel Lisieux và Chị không thể không biết điều đó. Hơn nữa, một quyển sách rất được các nữ tu trong đan viện ưa thích có dạy rằng - dù lầm lẫn - một sự dâng hiến như thế là một trong những mục đích của Dòng Carmel. Chị Têrêsa cho rằng sự dâng hiến như thế thì cao cả và quảng đại, nhưng Chị cảm thấy không có khuynh hướng dâng hiến như thế. Nó không phù hợp với tinh thần của Chị. Những người hiến mình cho đức Công bình của Chúa được đánh động bởi một chấn động mà tội lỗi đã làm tổn thương đến Thiên Chúa và sự trừng phạt mà tội lỗi tác động lên họ. Ý tưởng nầy nhắc nhở họ đền bù để thoả mãn đức Công bình của Chúa và cứu vớt những người tội lỗi.
Ngược lại Chị Thánh Têrêsa bị cuốn hút chủ yếu do tình yêu thương xót của Chúa qua những phương thế tuyệt vời mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Chị. Vì, như Chị đã cho chúng ta biết, Chị mất một thời gian dài tự hỏi tại sao các linh hồn không nhận được một số lượng ân sủng như nhau, tại sao Thiên Chúa lại dành ưu tiên cho một số linh hồn, ban các đặc sủng cho những người tội lỗi và ưu ái những người khác từ trong nôi đến khi lìa đời, không để một chướng ngại nào ngăn cản họ đến với Ngài. Chị hỏi tại sao có những vị Thánh cả, những vị Thánh bình thường và tại sao một số linh hồn không có sự hướng dẫn nào khác hơn là luật tự nhiên.
Chúa Giêsu cho Chị Thánh biết rằng Ý muốn của Ngài là có nhiều loại Thánh Cả và các Vị Thánh nhỏ bé; chính sự đa dạng nầy đã thêm vẻ đẹp cho thế giới các linh hồn và Chúa thấy hài lòng trong một trật tự như thế; Chúa dành một sự chăm sóc đặc biệt cho mỗi linh hồn và điều chỉnh mọi sự vì lợi ích của mỗi linh hồn.
Chúa cho Chị Thánh thấy rõ rằng Lòng Thương Xót của Ngài chiếu sáng trong linh hồn đơn sơ nhất cũng như trong các linh hồn thánh thiện nhất, và không có gì ngăn cản được ân sủng của Chúa; và thật ra, lòng thương xót nầy tỉ lệ với mức độ khiêm hạ của một linh hồn. Nói cho cùng đó không phải là phẩm chất của tình yêu muốn cúi mình xuống trên sự khốn khổ sao? Bản thân Chị Thánh biết rất rõ những ơn huệ quan phòng và nhưng không mà Tình Yêu thương xót của Chúa đã ban tặng cho Chị.
Tất cả những điều nầy giúp chúng ta hiểu được tại sao vào ngày 9 tháng 6, lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Chị đã dâng mình như một của lễ toàn thiêu cho Tình Yêu thương xót hơn là cho sự công bình của Thiên Chúa. Ngày hôm ấy Chị Thánh nhận thức đầy đủ hơn Chúa Giêsu muốn được yêu mến biết bao và bao nhiêu người đã khước từ Ngài tình yêu ấy. Đó là lý do để Chị soạn ra lời nguyện sau đây:
Ôi Lạy Chúa, Chúa sẽ giam hãm lòng thương xót của Chúa trong tim Chúa sao? Chỉ có đức Công bình của Chúa mới nhận được của Lễ toàn thiêu sao? Lòng thương xót của Chúa không đáng nhận lãnh Của Lễ đó sao? Nếu công lý của Chúa đòi hỏi phải được thi hành, chẳng lẽ lòng nhân từ của Chúa lại không đòi hỏi cũng phải được thực thi nhiều hơn đối với các linh hồn để tình yêu ấy sưởi ấm họ sao? Con thấy dường như là nếu Chúa tìm thấy những linh hồn dâng mình như Của Lễ toàn thiêu cho Tình Yêu thương xót của Chúa, Chúa sẽ nhanh chóng thiêu đốt họ; Chúa sẽ vui mừng ban phát nguồn êm ái dịu dàng vô biên trong Chúa. Và chuyển lời nói thành hành động, Chị Thánh thốt lên: Ôi Lạy Chúa Giêsu, xin cho con là hy lễ đó, hãy thiêu đốt hy lễ nhỏ bé của Ngài trong trong lửa Tình Yêu Chúa.
Hơn nữa Chị Thánh còn nhận thức rằng sẽ có ích hơn cho các linh hồn khi Chị dâng mình cho lòng thương xót hơn là sự Công bình của Thiên Chúa. Vì yêu mến Chúa bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, lời cầu nguyện của Chị nhân danh các linh hồn sẽ có nhiều sức mạnh hơn trong tim của Chúa.
Khi các nữ tu rời ca đoàn sau Thánh lễ và sau khi tạ ơn, Chị Thánh đến bên Celine (chị ruột của thánh nữ), mới là tập sinh được vài tháng, mời chị cùng Chị Thánh đến gặp Mẹ Bề Trên Agnes. Có Celine bên cạnh, Chị Thánh quỳ xuống trước Mẹ Agnes và xin phép cho cả hai được dâng mình làm của lễ toàn thiêu cho Tình Yêu thương xót. Mẹ bề trên không giấu được sự ngạc nhiên nhưng chỉ thấy rằng hành động sốt mến nầy do ngày Lễ (Chúa Ba Ngôi) đem lại, đã chấp nhận thỉnh nguyện của hai người. Sau đó Chị Thánh soạn bản kinh dâng hiến mà hiện giờ vẫn còn được giữ; và hai ngày sau đó, ngày 11 tháng 6, cả hai sấp mình trước tượng Đức Mẹ đã làm phép lạ phục hồi sức khỏe cho Chị Thánh, Chị đã lập lại sự dâng hiến của Chị.
PHÂN TÍCH BẢN KINH DÂNG HIẾN
Chúng ta hãy phân tích những nét chính trong bản kinh dâng hiến.
Việc gọi là dâng mình chỉ bao gồm trong ba đoạn cuối. Những gì trước đó được coi như phần dẫn nhập. Chị Thánh dâng mình cho Chúa Ba Ngôi và thể hiện ước muốn căn bản của mình, tóm tắt cùng lúc những nguyên tắc cơ bản của Con đường nhỏ bé của Chị. Thoạt đầu Chị hồi tưởng lại đâu là mục tiêu chính của cuộc sống của chị: yêu mến Chúa, làm cho người khác yêu mến Chúa, vinh danh Hội Thánh và cứu rỗi các linh hồn.
Một lần nữa Chị thể hiện ước muốn nên Thánh, đạt được mức độ vinh quang mà Thiên Chúa đã tiền định cho Chị. Để hoàn tất được điều nầy, Chị Thánh cương quyết hoàn tất Thánh Ý Chúa cách trọn hảo, nhưng Chị nhận thức được rằng Chị không thể đạt đến sự trọn hảo đó bằng nổ lực đơn độc của riêng Chị, do đó Chị xin chính Chúa là sự thánh thiện của Chị. Chị dâng lên Chúa công nghiệp vô cùng của Chúa Giêsu, nói cho cùng, đó là sở hữu của Chị. Chị van xin Chúa nhìn Chị qua Nhan Thánh của Chúa Giêsu trong con tim nồng nàn yêu Chúa của Ngài (Chúa Giêsu).
Tiếp đến, để đảm bảo cho việc tiếp nhận thỉnh nguyện ưu ái của Chị, Chị van nài Đức Trinh Nữ Maria trình bày sự dâng mình của Chị lên Chúa Ba Ngôi.
Chị Thánh hy vọng, thật ra Chị cảm thấy chắc chắn rằng mọi ước muốn của Chị đều được mãn nguyện vì chính Chúa đã linh ứng cho những ước muốn đó. Điều nầy không có nghĩa là Chị chắc chắn rằng đôi khi Chị không phạm lỗi vì Chị biết rằng Chị yếu đuối nhưng Chị nài xin Chúa thanh tẩy Chị ngay (sau mỗi lần sa ngã) bằng một ánh mắt tình yêu. Chị thưa với Chúa là Chị cảm ơn Chúa biết bao về tất cả những ơn mà Chị đã lãnh nhận và về quà tặng đau khổ mà Chúa đã ban. Chị hy vọng rằng những đau khổ sẽ làm cho Chị giống Đấng Cứu Thế hơn trên Thiên Đàng. Về hạnh phúc Thiên Đàng và việc chiếm hữu Thiên Chúa, Chị hy vọng chắc chắn rằng Chị sẽ hưởng được một ngày nào đó, dù vậy, Chị không xem đó là phần thưởng cho những việc làm đáng khen của riêng Chị. Chị dâng những công trạng nầy vì lợi ích các linh hồn. Chị muốn tình yêu Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc của Chị mà thôi.
Sau phần dẫn nhập nầy là việc dâng mình.
Đầu tiên Chị Thánh công bố lý do Chị làm việc nầy: Để sống trong một hành vi cao cả của lòng mến trọn hảo hay tương tự như vậy, để sống như một vị Thánh, vì sự thánh thiện không gì khác hơn là thực thi đức ái trọn hảo.
Chị dâng mình như là hy lễ cho Tình Yêu thương xót để Chúa có thể đổ tràn linh hồn Chị bằng sự âu yếm vô biên của Chúa và Chị có thể yêu Chúa như Chúa yêu chúng ta, có nghĩa là yêu Chúa với Thánh Thần tình yêu của Chúa. Tình yêu nầy sẽ thường xuyên nung đốt, thanh tẩy Chị thánh khiến Chị chịu đựng việc tử đạo vì lòng mến. Và khi Chị đạt tới mức trọn hảo mà Chị được mời gọi, tình yêu sẽ xé bức màn che và linh hồn Chị sẽ đón nhận ánh sáng ấp ủ đời đời của lòng thương xót.
Chị Thánh kết luận Chị muốn rằng cứ mỗi nhịp đập của con tim, Chị lại dâng mình cho Chúa, cứ như thế Chị sẽ tận hiến cho Chúa cả ngàn ngàn lần cho tới khi bóng tối trần gian biến tan đi. Như vậy đây không phải là hành vi tận hiến chóng qua nhưng cả cuộc đời của Chị phải là một hành động yêu thương trọn hảo. Chị muốn hình thành một khuynh hướng mang tính thói quen, một sự dâng hiến liên lỉ cho Chúa, một sự từ bỏ trọn vẹn cho hoạt động yêu thương của Chúa trong tâm hồn Chị, một tương quan trọn hảo với Thánh ý Chúa.
Như thế, đây là công thức đáng ngưỡng mộ mà Chị Thánh cô đọng trong Con Đường Thơ Aáu thiêng liêng của Chị và những hiệu quả mà Chị nhắm vào khi dâng mình phút chốc đã rõ rệt. Lòng mến của chị, cho tới lúc bấy giờ dù nồng nàn, gia tăng tuyệt diệu và rõ ràng Thiên Chúa đang đáp trả cho món quà tặng là bản thân Chị.
LÒNG YÊU MẾN NỒNG NÀN
Năm ngày sau đó, trong khi đi chặng đàng Thánh Giá, bất chợt Chị cảm thấy đau buốt bởi một tia lửa đến độ Chị nghĩ rằng mình sẽ chết. Một bàn tay vô hình dường như dìm Chị vào trong một lò lửa và lòng mến của Chị lớn đến độ Chị nghĩ rằng Chị sẽ phải chết nếu sự nồng nàn nầy kéo dài thêm một giây nữa thôi. Và rồi các con sông, các đại dương ân sủng tràn ngập tâm hồn chị suốt 10 tháng - cho đến ngày 5 tháng 4 năm 1896. Tình Yêu Thương Xót đã xuyên thấu, bao phủ, thanh tẩy và đổi mới Chị trong từng giây phút, không để lại nơi Chị dấu vết nào của tội lỗi.
Sau lễ Phục Sinh năm 1896, một lần nữa Chúa muốn Chị Thánh phải chịu những thử thách thiêng liêng nhưng tình yêu vẫn tiếp tục bùng cháy trong linh hồn Chị. Chúng ta biết được điều nầy là do Chị thường xuyên thú nhận với những người xung quanh. Với Mẹ Agnes Chị Thánh nói rằng Chị không thấy rõ lắm điều Chị sẽ có trên Thiên Đàng nhiều hơn là điều Chị được ban cho trên thế gian: Quá đủ, con sẽ thấy Chúa nhân lành, nhưng đối với việc được ở với Ngài, con đã có đầy đủ. Một vài ngày sau đó Chị Thánh viết: Mẹ kính yêu: Chúa Giêsu đã ẩn mình kỹ và thỉnh thoảng nói với con dù 'qua những chấn song' bởi vì con cảm thấy rõ rằng con không thể chịu đựng hơn thế nữa. Tim con sẽ vỡ ra vì không chịu nổi hạnh phúc lớn lao như thế.
Đối với chị của mình, Chị Maria Thánh Tâm, Chị Thánh nói rằng nếu cuối cùng Chị không đạt được đỉnh điểm cao nhất của lòng mến mà Chị hằng ao ước, Chị sẽ nếm nhiều sự ngọt ngào trong cuộc tử đạo trần thế hơn là cảm nghiệm được những niềm vui của Thiên Đàng trừ phi Chúa Giêsu xoá nhoà ký ức những hy vọng trần thế của Chị. Đối với Mẹ Marie de Gonzague, Chị Thánh nhắc lại vào cuối tháng 6 hay đầu tháng 7 năm 1897 rằng tình yêu của Chị là một vực thẳm và Chúa Giêsu không thể lấp đầy một linh hồn nào khác bằng tình yêu lớn hơn tình yêu Ngài đã ban cho Chị.
Cuối cùng Chị Thánh tâm sự với Chị Maria Chúa Ba Ngôi: Ước muốn của em vô hạn, những gì mà Thiên Chúa tốt lành dành cho em sau khi chết, vinh quang và tình yêu mà em thấy trước vượt qua tất cả những gì có thể tưởng tượng được đến độ đôi lúc em phải ngưng suy nghĩ vì nó làm em ngây ngất. Đó là tình yêu tồn đọng lại trong những cơn đau đớn khủng khiếp nhất của Chị về thể lý cũng như về tinh thần và cuối cùng Chị sẽ chết vì tình yêu, Chị sẽ được mang đi trong hành động yêu thương.
Hành động dâng mình cho Tình Yêu Thương xót mà Chị Thánh là người đầu tiên thực hiện không có nghĩa là một điều gì đó riêng tư dành cho riêng Chị. Trong một lá thư gửi Chị Maria Thánh Tâm, giờ được tìm thấy trong chương 11, của quyển Chuyện Một Tâm Hồn, Chị xin Chúa chọn cho Ngài một đạo binh gồm các chiến sĩ nhỏ bé xứng đáng với tình yêu của Ngài. Điều nầy có nghĩa là không chỉ những tâm hồn sốt mến mà là tất cả những ai không có gì hết và nhận thức rõ sự nghèo hèn và khốn khổ của mình có thể dâng mình cho tình yêu Thiên Chúa. Thật vậy, việc dâng mình có mục đích rõ ràng là chữa trị sự bất toàn. Nó đền bù cho sự nghèo nàn bằng cách thay thế tình yêu của họ bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Chị Thánh nói: Chính sự yếu đuối của con đã cho con can đảm dâng mình như là hy lễ cho tình yêu của Chúa.
Rõ ràng là nếu chúng ta muốn quan tâm đến những hoa trái sẽ được trổ sinh từ việc dâng mình cho Tình Yêu thương xót, chúng ta không được bằng lòng với việc tuyên đọc những lời dù điều đó được làm với lòng sốt mến. Chúng ta phải sống dâng hiến. Chính Chị Thánh cảnh báo chúng ta về điều đó như được thấy khi chị nói với một chị quá sợ hãi trước sự phán xét của Thiên Chúa: Em thấy dường như là không có sự phán xét dành cho những người dâng mình làm hy lễ cho tình yêu nhưng Chúa nhân lành sẽ vội vàng bù đắp với niềm vui bất tận bằng tình yêu của Ngài, tình yêu mà Chúa sẽ nhìn thấy chiếu sáng trong trái tim họ. Một nữ tu hỏi Chị Thánh, để hưởng được đặc ân đó, đọc lại những lời dâng mình của chị có đủ không? Chị Thánh trả lời : Ồ! Không! Lời nói suông không đủ. Để là hy lễ thật sự của tình yêu, chúng ta phải dâng hiến trọn vẹn con người chúng ta. Chúng ta phải được thiêu đốt bằng tình yêu đến mức độ chúng ta phó thác chính mình cho Tình Yêu đó.
Người hiến mình cho lòng Tình yêu thương xót phải cố gắng hết sức để sống trong hành động yêu thương liên lỉ. Người đó phải cố gắng làm đẹp lòng Chúa bằng việc hoàn tất đến mức hoàn hảo những mong ước nhỏ nhoi nhất của Chúa và dâng lên Người tất cả những hy sinh mà người đó trải nghiệm. Khi hành động đó được diễn đạt bằng sự thực hành trung tín và quảng đại, nó sẽ giúp chúng ta đạt được sự trọn hảo dễ dàng và làm cho chúng ta tiến tới sự trọn hảo chắc chắn hơn và nhanh chóng hơn.
Dù vậy, việc nầy đòi hỏi thời gian. Khuyết điểm và sa ngã là không thể tránh bao lâu chúng ta còn sống trên thế gian. Chính Chị Thánh nói rằng tình yêu đó tiếp tục thanh tẩy và đổi mới Chị. Điều đáng nhớ là những khuyết điểm của chúng ta không hẳn là dấu chỉ cho thấy chúng ta bế tắc, vì chúng ta có thể ngã khi tiếp tục đi. Nếu sau khi vấp ngã, chúng ta sửa chữa nó bằng sự khiêm tốn, tình yêu, cái mà chúng ta có thể rút ra lợi ích từ mọi sự, phút chốc thiêu đốt mọi thứ không làm đẹp lòng Chúa. Thậm chí Ngài khiến những khuyết điểm của chúng ta phục vụ sự thăng tiến của chúng ta, và tất cả những gì còn lại sẽ là sự bình an khiêm tốn sâu xa lắng đọng trong tim chúng ta .
SỰ DÂNG HIẾN VÀ ĐAU KHỔ
Việc dâng mình cho Tình Yêu thương xót có đưa chúng ta đến đau khổ không? Không, chúng ta không dâng mình cho đau khổ mà cho tình yêu. Mọi sự trong việc dâng mình đều do tình yêu gợi hứng và dẫn đến tình yêu. Qua việc dâng mình Chị Thánh Têrêxa không có mục tiêu nào khác hơn là kéo về cho mình lòng mến Chúa, đến độ Chị có thể yêu mến Chúa bằng chính tình yêu của Ngài. Những chị ruột của Chị thánh, Mẹ Agnes, người giải thích trung thực tư tưởng của Chị Thánh, chị Genevieve, người cùng dâng mình với Chị Thánh, cũng hiểu điều đó theo ý nghĩa nầy. Hơn nữa, họ khẳng định rằng Chị Têrêxa tin tưởng Chúa đã chấp nhận Chị như một của lễ toàn thiêu, không phải vì việc Chị tử đạo trong tâm hồn nhưng vì Chị cảm thấy sự êm đềm vô biên của Chúa tuôn đổ lai láng trong tâm hồn mình
Một lần nữa, hành động dâng mình không có một hàm ý nào nói đến sự đau khổ. Từ hy lễ toàn thiêu và tử đạo thoạt nhìn dường như ám chỉ điều đó nhưng thực ra muốn nói đến hiệu quả của tình yêu trong một tâm hồn đang bừng cháy và bị tình yêu đó thiêu đốt. Thánh Gioan Thánh Giá nói đến các linh hồn thánh hiến cho tình yêu, diễn tả bằng những từ tương tự trong tác phẩm Thánh Ca Thiêng Liêng và Lửa Mến Sống Động của Ngài.
Chị Gevevieve kể lại một sự kiện quan trọng trong vấn đề nầy. Khi những lời kinh Phụng vụ được đọc trong ngày lễ kính nhớ chị Thánh được phát hành, bài thứ 9 cho Kinh Sáng, dưới hình thức rút gọn có viết : cháy bỏng bởi ước muốn đau khổ, hai năm trước khi chết Chị Thánh đã dâng mình như của lễ toàn thiêu cho Tình Yêu thương xót. Mẹ Agnes sau khi đọc bài này đã thốt lên: Nếu tư tưởng của Têrêxa bị bóp méo như thế này ngay khi chúng ta còn sống thì không biết sẽ như thế nào đây sau khi chúng ta đã qua đời. Do đó, Mẹ Agnes không cảm thấy thoải mái cho đến khi Mẹ sửa lại được sự sai lầm đó trong cuốn Nghi Thức Thánh Hiến của Cộng Đoàn. Mẹ đã thành công trong việc sửa sai nầy bốn năm sau đó. Đoạn văn nêu trên được thay thế bằng cụm từ: được nung đốt bởi lòng yêu mến Thiên Chúa.
Tuy nhiên, thật sự thì Chị Thánh Têrêxa đã đau khổ nhiều. Những ngày cuối cùng của Chị trên dương gian là một cuộc tử đạo thật sự. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng Chị đã xin chịu đau khổ, Chị muốn chết cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá; Chị đã dâng mình cho các linh hồn để những ai có đức tin gìn giữ được nó và những người đã mất đức tin có thể tìm lại được nó.
Như vậy, để kết luận chúng ta phải nói rằng hành động dâng mình cho Tình Yêu thương xót không nhất thiết bao hàm sự đau khổ dù sự đau khổ có thể tạo thành vương miện và sự hoàn hảo cho sự dâng mình nầy. Đau khổ là quà tặng của Thiên Chúa dành cho những người Chúa yêu mến, là phương tiện Ngài dùng để thánh hoá họ. Nó cũng là đối tượng ao ước của tất cả những người muốn chứng tỏ lòng mến Chúa của họ. Nó cũng là khát vọng của những ai chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh và muốn hiệp thông với công trình cứu chuộc của Ngài. Do đó, một linh hồn hiến mình cho tình yêu chịu đựng đau khổ là việc bình thường. Chính Chị Thánh Têrêxa nói rằng khi chúng ta quan tâm đến con đường tình yêu và hiến thân như hiến tế, chúng ta không đi vào con đường an nghỉ, nhưng ngược lại, chúng ta được mời gọi buông mình trọn vẹn cho niềm vui của Chúa . . . thậm chí đến mức độ chia sẻ chén đắng với Chúa Giêsu.
Dù vậy, trong sự khôn ngoan và tình yêu, khi Thiên Chúa dành sự đau khổ cho linh hồn dâng hiến chính mình cho Ngài, Ngài điều chỉnh sự đau khổ cho phù hợp với sức của linh hồn. Đây là ý nghĩa câu trả lời của của Chị Thánh cho chị Maria Thánh Tâm, là người đã khước từ dâng mình cho Tình Yêu thương xót vì sợ rằng mình không có sức chịu đựng. Chị Thánh nói: Nếu Chị dâng mình cho sự công chính của Chúa, Chị có thể sợ hãi, nhưng Tình Yêu thương xót sẽ cảm thông và nâng đỡ sự yếu đuối của Chị . . . do tình yêu nầy chúng ta không mong gì hơn ngoài lòng thương xót.
VIỆC DÂNG MÌNH TRONG HỌC THUYẾT THIÊNG LIÊNG CỦA CHỊ THERESE
Hành động dâng mình cho Tình Yêu thương xót là yếu tố căn bản trong học thuyết của Thánh Têrêxa Giêsu Hài Đồng. Đó là phương thế hay nhất để nhận ra Con đường Thơ Aáu Thiêng Liêng.
Nhận thức được sự nghèo nàn, sự yếu đuối và sự bất toàn của mình, chúng ta thấy rằng mình không thể yêu mến Chúa như Ngài đáng được yêu mến. Chúng ta cũng biết rằng trong Chúa chất chứa nguồn êm ái vô biên mà Ngài không thể rót vào những trái tim ngoảnh mặt với Ngài. Chúng ta tận hiến cho Ngài để Ngài có thể lấp đầy chúng ta bằng tình yêu mà những người khác miệt thị. Ý định của chúng ta, trong khi làm việc tận hiến nầy, là biến cuộc sống của chính mình thành một hành động của lòng mến trọn hảo lớn lao; chúng ta có thể yêu mến Chúa bằng chính tình yêu của Ngài; chúng ta có thể vươn tới sự thánh thiện làm cho Tình Yêu được người khác yêu mến.
Sự bất toàn của chúng ta không phải là chướng ngại vật cho sự dâng hiến như thế. Thật vậy, vì chúng ta nghèo hèn và khốn khổ mà dâng hiến chính mình để Tình Yêu thương xót có thể bù đắp cho sự nghèo hèn của chúng ta. Tình yêu nầy sẽ thanh tẩy và thiêu đốt sự bất toàn của chúng ta. Chúa Giêsu sẽ mặc cho chúng ta Đức Công Chính của Ngài, sẽ thiêu đốt chúng ta miễn là chúng ta trung thành. Hành động dâng mình chưa đủ để cảm nếm hiệu quả của nó. Ngược lại, chúng ta phải chứng tỏ ngày càng trung thành và quảng đại hơn với Chúa tương xứng với tình yêu lớn lao hơn Ngài ban tặng cho chúng ta.
Do đó, trong khi thường xuyên nhớ đến sự bé nhỏ và yếu đuối của mình, chúng ta chuyên chăm vào việc làm thật tốt những điều nhỏ mọn nhất. Chúng ta không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để hy sinh. Khi chúng ta vấp ngã chúng ta sẽ đứng dậy một cách tự tin và vẫn giữ sự hoàn toàn phó thác cho mọi ước muốn dự định của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ được tình yêu thiêu đốt khi hiến mình cho tình yêu và đáp trả Tình Yêu ấy.
KINH DÂNG MÌNH CHO TÌNH YÊU THƯƠNG XÓT CHÚA.
( Mẫu kinh ngắn)
(Bản kinh nầy không phải từ ngòi bút của Chị Têrêxa Giêsu Hài Đồng nhưng chắc chắn thể hiện tư tưởng của Chị.)
Ôi lạy Chúa của con, Lạy Ba Ngôi Diễm Phúc; Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Con yêu mến Chúa, ca tụng và tri ân Chúa. Con cảm ơn Chúa vì tất cả những ân sủng mà Chúa đã ban cho con cách đặc biệt. Con cảm ơn Chúa Cha về món quà tặng là Con của Chúa. Con cảm ơn Chúa Con vì Chúa đã trở nên một người như chúng con, hy sinh cho con, đã ban cho con bí tích Thánh Thể để biến đổi con nên giống như Chúa. Con cảm ơn Thánh Thần tình yêu vì Chúa ngự trị trong con cùng với Chúa Cha và Chúa con, cho con được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và biến con thành một đứa trẻ của Cha trên trời.
Con xin lỗi Chúa về những khuyết điểm và những biếng nhác của con và con xin dâng Chúa những công nghiệp và lòng mến của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng con để đền bù những lỗi lầm đó. Từ bây giờ trở đi con muốn yêu mến Chúa như Chúa đáng được yêu mến. Dù vậy, nghèo hèn và bất lực như con làm sao con có thể thoả đáng một ước muốn như thế? Nhưng Chúa là Tình Yêu thương xót chính thật bởi vì chúng con khốn cùng. Vậy con cầu xin Chúa bù đắp cho sự nghèo hèn của con bằng chính tình yêu của Chúa.
Để có thể yêu mến Chúa bằng tình yêu trọn hảo lớn lao, con xin dâng mình con như của lễ toàn thiêu cho Tình Yêu thương xót của Chúa. Con van xin Chúa đong đầy tâm hồn con nguồn êm ái vô biên chất chứa trong Chúa. Xin tình yêu Chúa thanh tẩy con, thiêu đốt liên lỉ mọi bất toàn, mọi khiếm khuyết của con, xin nung nấu và biến đổi con.
Khao khát duy nhất của con là yêu mến Chúa và muốn người khác yêu mến Chúa. Ước muốn nồng nàn nhất của con là nên Thánh và đạt tới vinh quang mà Chúa đã dọn sẵn cho con. Nhưng con không cậy dựa vào việc làm của con. Tất cả những gì con có, xin phó thác cho Chúa. Con muốn chỉ cậy vào công nghiệp của Chúa Giêsu. Con tin tưởng trông đợi mọi sự từ Tình Yêu thương xót của Chúa.
Và để con có thể thực hiện một cuộc sống mến yêu như thế, con cương quyết chuyên chăm vào việc hoàn tất Thánh Ý Chúa một cách trọn hảo, ngay cả những chi tiết vụn vặt nhất. Con cương quyết không từ bỏ bất kỳ hành vi đạo đức hoặc sự hy sinh nào. Con cương quyết quên mình trong mọi sự và, như thế, sống kết hiệp với Chúa Giêsu, hành động nhờ Chúa Giêsu và giống như Chúa Giêsu bởi vì tình yêu mến Chúa Cha và các linh hồn.
Ước gì lòng mến nung đốt và kiện toàn con nhiều hơn nữa và hoàn tất trong con mức độ giống Chúa Giêsu mà Chúa đã tiền định cho con. Và cuối cùng xin cho con chết trong một hành động yêu thương Chúa trọn hảo.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của con, và lạy thánh Têrêxa, xin dủ lòng dâng lên Chúa lễ vật nầy, và xin giúp con hoàn tất việc dâng hiến đó. Amen.